Thành viên Ban Cố vấn của VCAD là những giám tuyển, nghệ sĩ và học giả, nhà nghiên cứu nghệ thuật, nhà hoạt động xã hội uy tín và kinh nghiệm trong môi trường văn hóa nghệ thuật Việt Nam và có quan tâm sâu sắc đến hoạt động nghệ thuật đương đại Việt Nam trong thời gian dài. Họ là những người cố vấn về tiêu chí và nội dung, thẩm định về chuyên môn, lựa chọn các tác phẩm đưa vào Kho dữ liệu, đồng thời đóng vai trò bảo trợ uy tín cho VCAD. VCAD mời thành viên tham gia Ban Cố vấn và duy trì hoạt động của Ban này theo chu kỳ thường niên.
Ace Lê
Ace Lê là một nhà nghiên cứu và giám tuyển nghệ thuật độc lập. Anh là Giám đốc Sáng lập của Quỹ Lân Tinh, một tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu nghiên cứu, lưu trữ và triển lãm nghệ thuật Việt Nam giai đoạn hiện đại và đương đại. Anh cũng là Tổng Biên tập tạp chí Art Republik Việt Nam, và là đồng sáng lập nhóm giám tuyển Of Limits tại Đông Nam Á. Ace tốt nghiệp khóa Thạc sỹ về Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển, và khóa Thạc sỹ về Báo chí và Truyền thông tại Nanyang Technological University, đồng thời tốt nghiệp Cử nhân Quản trị Kinh doanh tại National University of Singapore.
Lê Thiên Bảo
Lê Thiên Bảo bắt đầu thâm nhập giới nghệ thuật từ năm 2010. Đến năm 2016, cô trở thành giám tuyển tại trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory tại TP. Hồ Chí Minh. Trong hơn 3 năm tại đây, cô phát triển thực hành giám tuyển thông qua nhiều triển lãm, chương trình giáo dục nhằm mang nghệ thuật đương đại đến gần hơn với công chúng Việt Nam, đồng thời bắt đầu quan sát thị trường nghệ thuật Đông Nam Á. Năm 2017, cô cùng với Zoe Butt và Bill Nguyễn thành lập dự án lưu trữ “Tinh Thần Bằng Hữu” (Spirit of Friendship), liên tục cập nhật các hoạt động của các nhóm nghệ thuật tại Việt Nam từ năm 1975-nay. Bên cạnh đó, cô tham gia cố vấn cho dự án Mekong Cultural Hub, xây dựng mạng lưới tương hỗ và kết nối các nhà hoạt động văn hóa – sáng tạo của các nước Lào, Campuchia, Việt Nam, Miến Điện, Thái Lan và Đài Loan. Năm 2019, cô thành lập dự án Symbioses (Cộng Sinh), đồng tổ chức tuần lễ nghệ thuật Nổ Cái Bùm tại Huế (2020) và Đà Lạt (2022). Sau khi tốt nghiệp thủ khoa chương trình Thạc sĩ về Quản lý thị trường nghệ thuật quốc tế tại École d’Art et de Culture Paris (EAC) de Paris (2020-2021), cô từng làm việc với galerie Francoise Livinec để tham dự các hội chợ nghệ thuật Art Paris và La Biennale de Paris 2021. Hiện tại, cô tiếp tục sống và làm việc tại Paris để mở rộng mạng lưới tại thị trường nghệ thuật Pháp.
Bùi Kim Đĩnh
Bùi Kim Đĩnh tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Khảo cổ học Việt Nam tại Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân Văn Hà Nội và thạc sĩ chuyên ngành Quản lý và Truyền thông Bảo tàng tại Đại học Khoa học Ứng dụng Berlin. Với kinh nghiệm trong các lĩnh vực giáo dục, khảo cổ học, cổ vật và nghệ thuật đương đại, Kim Đĩnh hiện đang công tác với tư cách là một nhà nghiên cứu, giám tuyển và cố vấn nghệ thuật giữa Đức và Việt Nam. Từ năm 2016, chị là nghiên cứu sinh tại trường Đại học Georg-August của thành phố Göttingen, CHLB Đức. Đề tài nhân học nghệ thuật của chị tập trung vào nghệ thuật đương đại Việt Nam do những nghệ sĩ độc lập khởi xướng kể từ sau Đổi Mới.
Trần Lương
Trần Lương là nghệ sĩ thị giác, giám tuyển độc lập, người tiên phong trong quá trình kiến tạo không gian cho nghệ thuật đương đại mang tính phản biện ở Việt Nam. Tác phẩm của ông luôn dựa trên những trải nghiệm bản địa, phê bình sự đàn áp và tập trung vào sự bền bỉ của con người cũng những hành động cá nhân và mang tính tự vấn. Thực hành giám tuyển của Trần Lương khuyến khích nghệ sĩ nới rộng đường biên sáng tác, tạo ra những cơ hội trao đổi giữa ba miền Bắc, Trung, Nam và quốc tế. Ông là thành viên nhóm ‘Gang of Five’ (1983 – 1997), là người đồng sáng lập và giám tuyển các triển lãm tại Nhà Sàn Studio (1988-2002), sáng lập kiêm giám đốc nghệ thuật Trung tâm Mỹ thuật Đương đại Hà Nội (2000), đồng sáng lập và điều hành Trung tâm Bảo trợ và Phát triển nghệ thuật APD (từ năm 2020). Trần Lương tham gia điều hành nhiều dự án phát triển cộng đồng ở các vùng miền khác nhau trong 20 năm qua, và là thành viên hội đồng nghệ thuật của một số tổ chức văn hoá nghệ thuật quốc tế quan trọng.
Natalia Kraevskaia
Natalia Kraevskaia (Natasha) là một cây viết về nghệ thuật và giám tuyển độc lập chuyên về Nghệ thuật Đương đại Việt Nam. Năm 1990, cùng với Nghệ sĩ Vũ Dân Tân, bà đã thành lập Salon Natasha – không gian nghệ thuật độc lập đầu tiên tại Hà Nội – và kể từ đó tổ chức và giám tuyển nhiều triển lãm về nghệ thuật Việt Nam tại Việt Nam, Australia, Canada, Đức, Phần Lan, Macao và Nga. Bà là tác giả cuốn sách Từ hoài cổ hướng sang miền đất mới. Những bài báo về nghệ thuật đương đại ở Việt Nam (2005) cũng như đóng góp cho nhiều vựng tập triển lãm và tạp chí nghệ thuật quốc tế. Natasha có bằng Tiến sĩ và là phó giáo sư của Đại học Nghiên cứu Quốc gia “Trường Kinh tế Cao cấp” (HSE), Viện Nghiên cứu Phương Đông và Cổ điển, Mat-xcơ-va và Trường Quốc tế của Đại học Quốc gia Việt Nam. Bà thực hiện các nghiên cứu đa ngành liên quan đến Việt Nam trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn hóa dân gian, dân tộc học và lưu trữ.