Xuân đến Đông qua
Info
YEAR
TECHNIQUES
DURATION
00:04:30
MEDIUM

Video đơn kênh có tiếng và màu. Kích thước đa dạng. 

Mô tả

Chiều sâu tinh thần của Việt Nam là điều lôi kéo Nguyễn Trinh Thi trở lại Hà Nội vào năm 2007 sau một thời gian dài du học tại Mỹ. Với khát khao nội tại muốn kết nối lại với quê hương, cùng sự gắn bó chặt chẽ với những cực đoan và mâu thuẫn xã hội, những bất thường kỳ dị và thực hành văn hóa của nó, các phim ngắn của Thi ghi lại xã hội Việt Nam qua việc tập trung vào sự gắn kết về cảm xúc với thực hành có tính nghi lễ của nó, dù là kế thừa từ truyền thống hay tạo lập từ cá nhân. Vốn được đào tạo làm nhà báo, Thi dần nhận ra những hạn chế về sáng tạo trong khuôn khổ báo in, và ngày càng nhận thấy nhu cầu thể nghiệm với tầm nhìn cá nhân của mình. Sức mạnh của hình ảnh trong việc truyền tải thông điệp cuốn hút cô và theo đó nhiếp ảnh, và sau này là phim, trở thành công cụ quan trọng trong các tác phẩm của cô. Qua quá trình học tập về phim dân tộc chí và phương tiện truyền thông mới; và theo học cao học ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học California, Thi tăng cường kiến thức về các hệ thống mà qua đó những ý tưởng về “phim tài liệu” được ứng dụng trong truyền thông đại chúng và truyền thống. Các tác phẩm phim của Thi có sự bàn bạc cộng đồng kéo dài, trong đó một câu chuyện cụ thể được làm nổi bật qua việc máy quay tập trung vào nét mặt và cử chỉ. Sử dụng lịch sử truyền miệng, nhiếp ảnh, điện ảnh chân thực, cảnh ghép nối và trình diễn đều là những mô-típ trung tâm trong thực hành điện ảnh của cô. Sự nhấn mạnh này vào cơ thể con người và chuyển động cố hữu của nó trong thế giới là mối quan tâm lớn của Thi, các tác phẩm trước của cô, chẳng hạn như Chuyện thày Đức (2007), đã mở ra một góc nhìn khác trong cách hiểu của phương Tây về văn hóa đảo trang, điều mà ở Việt Nam là một lệch chuẩn văn hóa lâu đời ít được biết đến. Trong Xuân tới Đông qua (2009), Thi quan sát đám tang của Lê Đạt, một nhà thơ từng tham gia Nhân Văn – Giai Phẩm, phong trào chống đối về văn học và trí thức vào những năm 1950 ở miền Bắc Việt Nam, đấu tranh đòi tự do chính trị và sáng tạo, chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam. Phong trào này hình thành qua sự tham gia của hai tạp chí văn học hàng đầu là Nhân VănGiai Phẩm, chấm dứt thê thảm vào năm 1958 khi tất cả các thành viên bị chính quyền giam giữ hoặc áp chế. Một thành viên chủ chốt, Nguyễn Hữu Đang, bị kết án 15 năm tù và chịu quản thúc hơn 20 năm sau khi ra tù. Lê Đạt bị cấm xuất bản trong ba thập kỷ, và cho đến năm 2007 chính phủ Việt Nam mới quyết định phong tặng ông một giải thưởng nhà nước cao quý trong nỗ lực hòa giải những bất bình trong quá khứ. Thi nhận định “Khi những nghệ sĩ tiên phong như nhà thơ này bị buộc phải im lặng, văn học và nghệ thuật Việt Nam đã phải chịu suy tàn qua nhiều thập kỷ”. Trong phim tài liệu ngắn này, ống kính máy quay của cô tập trung vào niềm thương tiếc của những người đến dự lễ tang của nhà thơ nổi tiếng này, nhiều người trong đó là nhà văn và trí thức đương đại đã thành danh của Việt Nam. Điểm thú vị là sự tưởng nhớ của Thi cho thời gian chạy ngược, cảnh đoàn người thương tiếc kính viếng quanh quan tài của Lê Đạt được tua ngược. Sự đảo ngược thời gian này gợi đến những cuộc phỏng vấn của Thi với Lê Đạt trước khi ông mất, trong đó ông từng nói rằng nhiều người thế hệ ông cảm thấy tuổi trẻ của họ bị đánh mất và uổng phí. Bằng cách quay ngược thời gian trong Xuân tới Đông qua, Thi mong rằng tuổi trẻ được trả lại cho ông, để sống lại những vòng quay năm tháng đã truyền cảm hứng cho quan sát của ông về thân phận con người.

Mô tả của Giám tuyển Zoe Butt trong biên mục Triển lãm Lưỡng niên Quan Độ 2010, tr. 48–49, 2010.

Ý tưởng

Sử dụng thước phim từ lễ tang cho công chúng của một nhà thơ quan trọng từng bị cấm trong nhiều thập kỷ ở Việt Nam, video này kết nối với tình hình chính trị và lịch sử của đất nước, khơi ra một số câu hỏi mà vẫn chưa được phép hỏi công khai ở Việt Nam ngày nay. Nếu có thể tua ngược lịch sử rồi phát lại thì sẽ thế nào?

Ý tưởng tác phẩm gốc của nghệ sĩ.