Thẻ căn cước
Info
YEAR
2014
TECHNIQUES
KÍCH THƯỚC/THỜI LƯỢNG
Tùy biến
MEDIUM

Mô tả

Đầu năm 2014, trong thời gian lưu trú hai tháng tại chương trình Pisaot của Sa Sa Art Projects (một không gian thử nghiệm do nghệ sĩ sáng lập tại Phnom Penh, Campuchia), tôi đã có những ngày nghiên cứu ở làng chài người Việt Nam ở hồ Tonlé Sap, Siem Reap. Thất học, nghèo đói, trì trệ, tham nhũng, cửa quyền là những vấn đề tồn tại ở ngôi làng với khoảng hơn 400 hộ gia đình này. Một số gia đình di cư đến đây trong vòng vài năm lại đây. Một số khác đã sống ở đây từ ba đến bốn thế hệ. Họ không được cấp thẻ căn cước như những công dân chính thức của Campuchia. Với nhiều trường hợp, giấy tờ duy nhất mà họ có là thẻ hội viên do Tổng hội người Campuchia gốc Việt Nam cấp. Có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này dưới các quan điểm chính trị, kinh tế và xã hội. Nhưng những ngày sống ở ngôi làng ấy, tôi chỉ nhìn thấy những đứa trẻ không có tương lai, chỉ nghe thấy những câu chuyện về sức mạnh của những kẻ nắm giữ đồng tiền và quyền lực. Ngày qua ngày, đó là từ tôi được nghe nhiều nhất ở đó; nó vẽ nên tương lai của chính họ.

Trong quá trình nghiên cứu, tôi đã rất phân vân về sự cần thiết và tầm quan trọng của thẻ căn cước, về tác động của nó đến nhận thức và cuộc sống của con người. Văn minh của loài người đã tạo ra rất nhiều thứ, trong đó có thẻ căn cước. Nhưng với một bộ phận người nào đó, thẻ căn cước lại trở thành một vấn đề, lại là thứ chìa khóa xoay chuyển cuộc sống của họ. Nó có thể là danh tính, là quyền lực, là sự phân cấp, là giấc mơ. Từ các thông tin thu thập được trong quá trình phỏng vấn, trò chuyện cùng các di dân, tôi đã tạo ra 348 Thẻ căn cước (2014) cho 348 di dân không quốc tịch. Thẻ được in trên quần áo cũ của họ với các vết ố dầu mỡ, vết sờn và khâu vá. Những tấm thẻ căn cước không có con dấu, không có biểu tượng lãnh thổ hay quốc gia – chúng chất vấn tầm quan trọng của danh tính do chính phủ cấp để đảm bảo việc làm, thiết lập nơi cư trú và đi học, cũng như cách mà tình trạng này ảnh hưởng đến trình độ học vấn, tình trạng kinh tế xã hội và chất lượng cuộc sống của một người.

Mô tả trong tài liệu triển lãm “Chẳng còn, chưa tới”, 2023, tr. 7.