Đau ở đây
Info
YEAR
CATEGORIES
TECHNIQUES
KÍCH THƯỚC/THỜI LƯỢNG
Tùy biến

Sắp đặt bóng bì phơi khô, hộp mica. Kích thước thay đổi theo không gian.

Mô tả

Lại Diệu Hà là một trong những số ít nghệ sĩ gắn bó với nghệ thuật trình diễn trong suốt chiều dài thực hành của mình, nhưng đồng thời, chị cũng liên tục chất vấn lại chính lịch sử và mở rộng những phẩm chất được cho tiêu biểu của nghệ thuật trình diễn. Lịch sử cá nhân của chị cũng trở thành một phần của lịch sử nghệ thuật đương đại Việt Nam, một phần của lịch sử trình diễn Việt Nam. Cách đây hơn 10 năm, chị làm trình diễn Đau ở đây như một phản ứng với những dư chấn nặng nề trong cộng đồng nghệ thuật địa phương sau sự kiện Nhà Sàn Studio bị buộc phải đóng cửa (bởi rất nhiều lý do khác nhau; một trong số đó là một tác phẩm khác, cũng của chị Hà, mang tựa Bay lên, được trình diễn tại sự kiện IN:ACT, 2010). Chất liệu bóng bì xuất hiện lần đầu tiên trong trình diễn này. Sức nóng của bàn là tác động nhiệt lên bề mặt bóng bì được làm ướt, tác động nhiệt lên chính da của nghệ sĩ. Nhiệt độ này có thể gây bỏng và bị thương.

Thực hành của chị Hà dù thường được gắn với những sự kiện gây tranh cãi này, thực tế lại trải dài hơn và mở rộng ra những biên độ khác. Triển lãm cá nhân Bảo tồn sức sống (CUC Gallery, Hà Nội, 2015) chứng kiến một lần nữa sự tái sinh của chất liệu bóng bì. Lần này, bóng bì xuất hiện dưới dạng khô, đanh, đôi khi cháy xém, trong các điêu khắc kết hợp với đa dạng chất liệu với những thủ pháp và xử lý đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo tay trong thao túng chất liệu. Sau khi tính thời sự đã tạm lắng, chị Hà cũng tạm gác những vấn đề cá nhân để dành thời gian làm việc một mình trong xưởng, chuyển mối quan tâm sang những suy tư xã hội (tính huyền thoại của chiến thắng) và hiện sinh (bảo tồn những thể hữu cơ).

Chị Hà nói, bóng bì, da lợn là một trong những chất liệu đi cùng chị lâu nhất. Năm 2016, chị thành lập Psyper Lab, nhóm nghiên cứu và thực hành tâm kịch trị liệu, trong khi lưu trú tại Sàn Art Lab, với hỗ trợ chuyên môn từ những khách mời của kỳ lưu trú cũng như các gặp gỡ với những chuyên gia và bệnh nhân của tâm kịch trị liệu. Đây là một nỗ lực nhằm mở rộng nghệ thuật trình diễn và sử dụng phương pháp của ngành tâm lý học trị liệu vào thực hành nghệ thuật với nhóm người không thực hành nghệ thuật. Trong triển lãm nhóm Ranh giới vô định (Heritage Space, Hà Nội, 2017), chị Hà cùng các thành viên của Psyper Lab thực hiện một trình diễn nhóm sử dụng trực tiếp da lợn phơi khô không qua sơ chế. Những miếng da lợn được xếp trần trên một khung sắt có rào, bên dưới có hai TV trình chiếu các buổi tập luyện nội bộ của nhóm

Mô tả trong tài liệu triển lãm Tạp âm trắng, 2023, tr. 7.

Ý tưởng

Đau ở đây được ghi nhớ bởi tính xã hội. Chỉ định ‘đau ở đây’, chính chỗ này là một cái đau cứ kéo dài mãi đến tận hôm nay. Khối mica vuông đủ lưu trữ những tấm da heo đã bị bào mòn – chúng là những dấu tích sót lại từ trình diễn Đau ở đây (Nhà Sàn Studio, Hà Nội, 2011), gợi nhớ tính khả thể của hai chiến binh: nghệ sĩ bên cạnh áo giáp da lợn. Tác phẩm sinh ra trong bối cảnh nghệ sĩ bị công kích từ nhiều phía. Sự kiên nhẫn là phẳng từng tấm da, hòa nhập và tiến tới thông cảm nhưng thực tế cũng phơi bày tính xét đoán, áp đặt và đè nén từ định kiến.

Cùng lúc, thực thể nghệ sĩ và con lợn (đại diện bởi các miếng da lợn) được xử lý đến tận cùng bằng cách bị là phẳng. “Da cánh tay của nghệ sĩ bị là phỏng rộp lên, thành những miếng bong bóng nước, hệt như miếng da lợn bị nổ, trở nên phồng rộp. Việc ngâm nước cho da mềm như một cách xoa dịu cái đau mà cả hai đang đối mặt. Nghệ sĩ thực hành thao tác các cảnh như một nghi thức hướng đến tính tôn trọng, bằng cách dứt khoát bóc lớp da bị phỏng trên tay, gói chúng vào những tấm da lợn. Là phẳng là một nghi thức cuối để khiến mọi việc cân bằng trở lại, dịu lại những căng thẳng đang xảy ra lúc đó và chắc sẽ còn mãi đến sau này.”*

Trong trưng bày lần này, những miếng bóng bì được xếp ngay ngắn trong hộp mica, cố tạo nên chồng lớp nặng nề, nhưng nhìn kỹ vào từng cấu trúc protein, keratin, elastin, collagen… kia, chúng ta không quên rằng nó là thực thể sống. Tác phẩm này tôn vinh sự sống có ý nghĩa, sự sống ấy cần được tôn trọng vì dám hy sinh, không phải sự lạnh của lý trí phán xét và áp đặt.

Ý tưởng tác phẩm gốc của nghệ sĩ trong tài liệu triển lãm Tạp âm trắng, 2023, tr. 6.

* Trung Phạm. A Journey from Performance Art to Psyper Lab. Tài liệu chưa xuất bản.