Sắp đặt đa phương tiện đặc thù tại địa điểm (video tài liệu, chữ viết tay trên tường). Kích thước thay đổi theo không gian.
Mô tả
Đầu những năm 2000 kinh tế, văn hóa của Việt Nam phát triển rõ rệt, tạo ra sự chênh lệch mức sống lớn giữa các thành thị trung tâm và các vùng nông thôn, miền núi khác. Do đó, bắt đầu hình thành làn sóng di cư người lao động tự do từ những vùng nông thôn nghèo đổ về thành phố kiếm sống. Đại đa số họ làm những nghề nghiệp mưu sinh qua ngày trên đường phố như cửu vạn, bán hàng rong, đánh giày, gái điếm…Thời điểm đó cũng là lúc Hà Nội phấn đấu khẩu hiệu là Thành phố Vì hòa bình, xanh, sạch, đẹp, văn minh và người lao động tự do vô tình thành một vấn đề cần phải dọn dẹp, truy quét từ những nhà quản lý đô thị.
Ý tưởng ban đầu của Nguyễn Minh Phước là làm phim tư liệu về cuộc sống của những người lao động di cư. Nghệ sĩ khởi đầu bằng những cuộc gặp gỡ với họ cả ban ngày và ban đêm. Sau khi trao đổi và trò chuyện với nhiều người di cư, anh nhận thấy họ cũng có những ước mơ đẹp mà đơn giản, cũng chỉ vì mưu cầu hạnh phúc cho gia đình bản thân mà dấn thân nơi thành thị xô bồ, bị phân biệt đối xử, bị cám dỗ hoặc bị đùn đẩy đến lầm đường lạc lối… Và Mộng du là ý tưởng về một không gian triển lãm: nơi mà người lao động di cư có thể tự viết ra tâm tư và ước mơ giản dị của họ, nơi họ có thể giao lưu trao đổi trực tiếp với khán giả chủ yếu là những công dân của thủ đô. Qua đó, nghệ sĩ mong muốn có thể xóa bỏ bớt khoảng cách giữa cư dân thành thị và người di cư.
Mô tả tác phẩm do VCAD biên soạn dựa trên tư liệu do nghệ sĩ cung cấp.