Khu vườn lạc hướng… Hơi thở chiêm bao

Sắp đặt đa phương tiện, gồm: video, điêu khắc, một dự án hợp tác giữa con người, máy móc, cây cỏ, sâu bọ, ánh sáng, bóng tối, đất, đá, nước, gió, mưa, những linh hồn...

Video một kênh (âm thanh, màu). Kích thước thay đổi theo không gian thời gian.

Mô tả

Thời gian luôn là nỗi ám ảnh triền miên với Công Tùng, thứ mà anh quan niệm là “nước vô hình,” nơi mà “sự sống thế gian chảy trong đó.” Hình ảnh và thanh âm của nước do đó luôn ẩn hiện trong tác phẩm hình ảnh động Khu vườn lạc hướng ... Hơi thở chiêm bao (2023 - đang tiếp diễn), khi thì tồn tại dưới dạng sóng biển xói mòn rồi bồi đắp, hay thuỷ triều dâng lên hạ xuống theo chu kỳ mặt trăng. Ở những phân cảnh khác, nước lại chuyển hoá thành tiếng mưa rả rích, lộp độp chảy dài theo mây trời ủ dột, hay dòng suối chảy róc rách lưu giữ những khoảng thời gian đã mất của vùng đất. Có khi khác, nước lại lăn dài thành giọt từ trong hốc mắt loài voi rừng, hay trên gò má sạm nâu của bà mẹ Tây Nguyên tóc bạc như cước. Nước, hay thời gian, đối với Tùng cũng muôn hình vạn trạng và khó lòng nắm bắt hay hiểu thấu.

Ta có thể nhận thấy nỗi khắc khoải về thời gian của Tùng qua cách anh luôn suy niệm về ký ức, về những mất mát đổi thay đã chìm xuống đáy con sông thời gian mà anh cố lưu giữ lại trong tác phẩm. Sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên, một vùng đất luôn tồn tại đâu đó trên đường biên của cuộc giằng co giữa uy lực thiên nhiên và bàn tay con người, nghệ sĩ đã phải chứng kiến biết bao thăng trầm của đất bên cạnh những vụn vỡ lần hồi của lòng người. Có lẽ bởi thế mà trong bất cứ chuyến hồi hương nào, anh cũng cố gắng thu lượm mọi thứ mà sức mình cho phép, từ những thứ có sẵn trong thiên nhiên như xác ve sầu, ụ mối, tảng đá, hay gốc cây khô, cho đến những dụng cụ bị con người đào thải như khung vuông nuôi tằm, tấm da trâu, ống nước tưới tiêu, hay gỗ công nghiệp. Anh miệt mài nhặt nhạnh những mảnh vụn ký ức của vùng đất, như muốn chạy đua với thời gian và quá trình phân rã tự nhiên.

Đứng giữa những dòng xoáy của mất mát đó, người nghệ sĩ không tránh khỏi những phút rối bời, xao động, và lạc hướng. Trong Khu vườn lạc hướng ... Hơi thở chiêm bao, ta luôn thấy hiện lên hình ảnh một người với bộ tóc dài bờm xờm che kín mặt mũi, quần áo bạc phếch đầy bụi đất, và đôi dép thắt quai–hoàn toàn rũ bỏ những đặc điểm nhận dạng về giới tính, sắc tộc, hay tôn giáo. Hình ảnh người này có chút liên đới tới những vị nhân thần, hay cụ thể là thần rừng Pan với chiếc sừng dê và cây sáo sậy véo von trên môi. Tuy vậy, vị bán thần trong video của Tùng lại chẳng hề điều khiển được thiên nhiên: người cứ thế bước chân lầm lũi, đi tha phương hết từ khu rừng này sang cánh đồng nọ. Có khi người nằm vắt vẻo chơi vơi trên nhành thân leo, lúc khác lại ôm ấp chiếc khèn làm từ trái bầu khô bên dòng suối. Thanh âm của muôn vàn loại nhạc khí, tiếng chim kêu và côn trùng rúc rích, tiếng củi và lá khô cháy lép bép như pháo nổ, tất cả trộn lẫn vào nhau thành nhịp thở phập phồng của vị bán thần này, với mỗi cử điệu bước đi thế nằm dáng quỳ bò trườn khiến người biến thành hiện thân của chính vùng đất đầy những ký ức khuất dạng. Một nhân thần lưu vong, với những bước chân lạc lõng vô định, không nắm trong tay một phép màu nào để xoay chuyển tình thế: người chỉ biết mơ, những đốm sáng đuổi nhau vờn bắt như thể những linh hồn rì rào gọi nhau từ tiền kiếp.

Mô tả tác phẩm trích từ tiểu luận của Dương Mạnh Hùng trong booklet triển lãm "Khu vườn lạc hướng... hơi thở chiêm bao", 2023, tr. 32.