Không đề
Info
YEAR
TECHNIQUES
KÍCH THƯỚC/THỜI LƯỢNG
Tùy biến

Sắp đặt xương động vật tìm thấy trên bờ thành Huế và giá đỡ kim loại. Kích thước thay đổi theo không gian.

Mô tả

Lần đầu trưng bày tại Nổ Cái Bùm (Huế, 2020), tác phẩm Không đề của Nguyễn Trần Nam nằm thu lu trong một góc phòng trên sàn Bảo tàng Điềm Phùng Thị. Một bài thơ bị bỏ quên, vứt xó. Một nắm xương được cắt xẻ tương đối đều khổ, không rõ ai đã bỏ đi. Một sự gặp gỡ vô tình của hai bài thơ thị giác: bài thơ của Trần Vàng Sao ở tầng 1 (được Nam dịch chuyển từ ngôn ngữ sang thị giác) và hai bài thơ đỏ đen của Điềm Phùng Thị trên tường tầng 2, cạnh phòng thờ. Trần Vàng Sao (1941–2018), một nhà thơ nặng lòng với quê hương, đày ải trong lý tưởng của cuộc chiến và nỗi cô đơn của mình. Điềm Phùng Thị (1920–2002), nữ điêu khắc gia hoài mong trở về khi đất nước lầm than, cuối đời dành tặng thành phố Huế gần như toàn bộ sự nghiệp. Cả hai đều là những thân phận trí thức và nghệ sĩ của xứ Huế. Những bài thơ lồng vào nhau, đổ bóng xuống nhau, văng vẳng tới tận bây giờ. Trên một hệ giá đỡ kim loại, 62 mẩu xương được nâng lên khỏi mặt đất, gắn cố định bằng các khớp nối máy móc và lạnh lùng. Tác phẩm từ bỏ tính ngẫu hứng và thi ca của phiên bản gốc.

Mô tả trong tài liệu triển lãm Tạp âm trắng, 2023, tr. 5.

Ý tưởng

tôi đứng sững
chết cha rồi
hòn bi sứt thêm một miếng
tôi cầm hòn bi trên tay thổi phù không chơi nữa
hòn bi không tròn không vuông
sứt mẻ quá tội nghiệp
tôi ném vụt hòn bi qua hàng tre bên kia đường
mưa to quá không nghe gì hết
bây giờ buồn thiệt chứ không phải chơi
– trích Sự tích hòn bi của tôi, Trần Vàng Sao, tháng 10, 1991.

1. Những khúc xương được tình cờ tìm thấy trên Bờ thành (Huế), đoạn đường
Xuân 68.
2. Đoạn thơ trong bài Sự tích hòn bi của tôi của Trần Vàng Sao được chọn tình cờ.
3. Giá đỡ kim loại được thiết kế theo mẫu chân bàn phẫu thuật được tình cờ tìm
thấy trên mạng.
4. Chỉ những vết cắt ngọt thì hình như không phải tình cờ.

Ý tưởng tác phẩm gốc của nghệ sĩ trong tài liệu triển lãm Tạp âm trắng, 2023, tr. 5.