Trong sắp đặt video mang tên Thuộc địa, nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt Lê Quang Đỉnh (Hà Tiên, 1968) khắc hoạ quần đảo Chincha ngoài khơi bờ biển Peru từ nhiều góc độ khác nhau. Trong khi thực hành trước đây của Lê Quang Đỉnh chủ yếu tập trung vào Chiến tranh Việt Nam, Thuộc địa chứa đựng một mạng lưới những quy chiếu về lịch sử chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.
Quần đảo Chincha là nơi cư ngụ của chim biển sống thành bầy lớn, chúng thải phân, gọi là guano, thành núi bao phủ địa thế. Có giá trị làm phân bón, mặt hàng này châm ngòi cuộc đánh chiếm quần đảo vào thế kỷ 19. Thương nhân người Anh sử dụng công nhân Trung Quốc thu hoạch phân chim, trong khi Tây Ban Nha và Peru tranh giành quyền thống trị quần đảo. Năm 1856, Hoa Kỳ ban hành Đạo luật Quần đảo de Guano, trao quyền cho nước này chiếm dụng mọi hoang đảo ở bất kỳ đâu trên thế giới. Với sự phát triển của phân bón nhân tạo đầu thế kỷ 20, xung đột địa chính trị về phân chim chấm dứt.
Mặc dù quần đảo không còn người sinh sống, hoạt động thu hoạch phân chim vẫn tiếp diễn. Ta thấy nhà trống giữa khung cảnh hoang tàn, nơi công nhân làm công việc thu hoạch nặng nhọc bằng tay. Trong Thuộc địa, Lê Quang Đỉnh khám phá lòng tham, sự phi lý và gian khổ gắn liền với chủ nghĩa đế quốc, cả trong quá khứ và hiện tại.
Nguồn: Museum Boijmans Van Beuningen.