Câu Đối

Mô tả

Ở phòng phía sau trên tầng hai là tác phẩm sắp đặt những cặp tấm gỗ khắc bằng tay, được gọi là Câu Đối.

Thường được sử dụng trong đền chùa, trên bàn thờ, và không gian ngoại thất, những cặp câu đối này thuộc một thể loại văn học Việt Nam viết bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Cặp câu đối này có thể là thơ hoặc văn xuôi với các vế đối nghịch được đặt song song, thể hiện tâm tư của tác giả đối với một vài sự kiện hoặc hoạt động trong đời sống. Chẳng hạn như khi một vị quan lớn đến thăm làng, thì thường được xem là một điềm lành. Ngày nay, niêm luật về hình thức và thể loại đã trở nên thoải mái hơn, các câu đối có thể được viết trên các băng giấy đỏ thay vì được khắc trên gỗ với ký tự mạ vàng - và hầu hết là chữ Hán có kèm phụ đề nhỏ bằng tiếng Việt. Một bộ câu đối thường đi kèm với một dòng chữ nằm ngang phía trên, nối hai vế câu lại với nhau để cung cấp ngữ cảnh, tuyên bố lý do hoặc sự kiện được sử dụng.

Tiếng Việt với Trọng vẫn là một ngôn ngữ phức tạp, sắc bén và hài hước, về cả âm điệu lẫn vần điệu. Từ một người tập nói bập bẹ đến khi có thể giao tiếp cơ bản, những hạn chế về khả năng đọc hiểu và viết tiếng Việt luôn khiến Trọng nản lòng. Khi bạn bè trêu đùa, anh đều có thể hiểu hết trừ phần chơi chữ nên không hoàn toàn tiếp cận được văn hóa Việt, và do đó, chuỗi tác phẩm câu đối nói về cảm giác bất lực trong việc giao tiếp bằng các ngôn ngữ khác nhau.

Tuy vậy, tinh thần của ngôn ngữ trong các câu đối là 100% tiếng Việt, đặc biệt trong việc chơi chữ. Anh chú trọng tạo nên sự tương phản giữa nội dung và hình thức của các tấm câu đối, mà cá nhân anh cho là trang trọng và đầy tôn kính. Trọng mạn phép phá vỡ niêm luật và sáng tác một số cụm câu khác thường, mang tính khơi gợi được viết bằng chữ Nôm, một ngôn ngữ Việt Nam cổ truyền phát triển từ chữ Hán, ít nhiều được ưa chuộng trong nhiều thế kỷ chuyển dịch giữa các thời đại. Hiện nay có rất ít học giả có thể đọc hoặc viết chữ Nôm - dưới 100 người. Trọng đã làm việc với hai học giả về ngôn ngữ Nôm tại Hà Nội, những người tốt bụng đã giúp anh dịch các đoạn nội dung tác phẩm. Tấm câu đối màu vàng ở phía bên phải viết: “Mình nhìn cái mình thấy”, và ở bên trái viết: “Người thấy cái người nhìn”. Đây là một chuỗi câu nói lắp tiếng Anh được dịch sang tiếng Việt đương đại, rồi cấu trúc ở nhịp điệu phù hợp để cân bằng số ký tự ở cả hai bên. Sau đó, mới trở thành chữ Nôm. Phần văn bản phía trên lại nói I GOT YOU BABE, nhắc đến bài song ca của Sonny và Cher, vì, câu đối thì khác gì với song ca?

Dòng chữ nằm ngang bằng tiếng Anh này được vẽ tay giả lập lớp sơn nhỏ giọt, cũng là phần duy nhất trong toàn bộ triển lãm mà Trọng Gia Nguyễn đã thật sự “sáng tác”. Nhưng nó cũng chỉ là tạm thời, do không phải là một phần của tác phẩm, nó rồi cũng sẽ biến mất.

Các tấm câu đối được sơn trùng với màu tường là quy luật mà Trọng tự đặt ra. Cụ thể người sưu tầm hoặc sở hữu các tác phẩm phải luôn sơn các tấm câu đối cùng với màu tường nơi chúng sẽ được trưng bày, kèm theo ghi chú về những thay đổi về màu và thương hiệu phía sau mỗi cặp tấm. Như vậy, những chi tiết lõm vào do điêu khắc trên gỗ sẽ dần ghi dấu lịch sử nguồn gốc của tác phẩm. Chúng tự tạo ra lịch sử của riêng mình theo một cách mà Trọng không thể làm được với cuộc đời hữu hạn và thói quen lưu trữ của anh. Hiển nhiên, chúng rồi cũng sẽ phải chịu sự tàn phá của thời gian. Khi tầm 20 hay 30 lớp sơn có thể đã được phủ lên nhau, những dấu vết điêu khắc trở nên nhạt dần, chúng cũng sẽ tự đánh mất chính mình. Lịch sử và sự bảo tồn lịch sử còn là công việc đòi hỏi chủ nhân chúng phải tự làm.

Cặp câu màu xanh bạc hà viết “Người quay về vòng tay rộng mở” ở phía bên phải, và phía bên trái “Nhưng cửa kia khóa chốt cài then”. Knock Knock5 ở trên đầu khơi gợi về một câu đố dang dở hoặc câu trào phúng ngầm. Cặp câu đối cuối cùng sơn màu hồng là bản chữ Nôm dịch từ Sonnet 18 nổi tiếng của William Shakespeare - ít nhất là với hai dòng đầu tiên: “Shall I compare thee to a summer’s day?” (tạm dịch: “Anh có nên ví em với ngày mùa hạ?” - bản dịch Vũ Hoàng Linh) và “Thou art more lovely and more temperate” ở bên phải (tạm dịch: “Em đáng yêu hơn và rất đỗi dịu êm” - bản dịch Vũ Hoàng Linh). Sonnet này được viết bằng tiếng Anh cổ, theo nhịp iambic, và việc đọc tiếng Anh cổ cũng là một thử thách, thậm chí với người bản ngữ. Nỗ lực tìm sự thấu hiểu bằng cả tiếng Anh, Việt và Pháp - tại Bỉ nơi anh đang sống, lại nhẹ hẫng đi trong căn phòng này. Tại sao lại không chia sẻ cái tra tấn nên thơ của ngôn ngữ với các dịch giả, với bạn - người xem nhỉ.

Mô tả trong vựng tập triển lãm Songs of Singularity, 2023, tr. 43–44.