Mô tả
Đôi lời về trưng bày:
“Hồi còn sinh viên, tôi nhớ thầy Phan Cẩm Thượng dạy về hội họa lập thể có một ý đại để như sau: Đó là cảm quan ban đầu về việc đập sự vật. Phôi thai của nó nhìn rõ nhất ở giai đoạn sáng tác sau của bậc thầy Cézanne, hội họa của ông chưa lập thể nhưng là một gợi ý khá quan trọng cho lập thể sau này. Lúc đấy tôi thấy sáng ra dần và bây giờ sau gần hai mươi năm tôi vẫn thấy thế. Vậy là tôi chưa lớn hay tôi chửa già.
Mỗi Tuần Trăng Vỡ Mật lần này tương tự vậy. Như một cảm thức ban đầu của lập thể. Nó giống trạng thái sau thừa nhận rồi bắt đầu cặm cụi đi gom góp lượm lặt những mảng những mẩu không hề vu vơ mà nó xuất hiện niềm tin có triển vọng về cái gì đó sắp ra hình hài bằng cách khôi phục. Những thao tác mang tính phục chế đôi khi có hiệu lực đôi khi không, hoặc chỉ đủ để tiếp tục thừa nhận cái sự không còn lành lặn ở ngay trước mũi. Thực tế nhất là, trong tay tối thiểu nên có lọ keo 502 thần thánh chẳng hạn. Hy vọng nó sẽ hữu dụng? Khi mở nắp lon thứ mình hay nhìn thấy nhất là "Chúc bạn may mắn lần sau", và đúng là có lần sau thật.
"Mỗi" tức là không hẳn một, nó sẽ nhiều dần lên có tính lặp lại, có tính tần suất, từng cơn, từng nhịp, không ngớt.
"Tuần" như một quy ước tương đối về thời gian, có tính quãng, lượt và đơn vị liền sau là ngày, giờ, phút, giây cứ thế mà tính mà nhân lên những đôi khi vô nghĩa. bởi người ta có cứ nói: một tuần trà
"Trăng", đến trăng thấy khó hơn để nói gì đó. Trăng tung tăng, Trăng khăng khăng, Trăng hung hăng đôi khi, hihi haha. Nhưng trăng mang đến nhiều cảm giác cự ly, địa lý, trăng không bao giờ gần, trăng toàn ở xa trở lên. Nên nó gần với cảm giác hão huyền, đừng có mơ!!!
"Vỡ", từ đồng nghĩa mới nhất phổ thông nhất đến thời điểm này hình như là "Toang". Khi "Toang" phổ thông thì "Vỡ" có khi quý hiếm.
"Mật" thì dễ: đắng vãi."
Nguồn văn bản: Á Space.