Dường như là



Info
ARTIST
YEAR
TECHNIQUES
DURATION
:11:08

Video ba kênh, màu, đen trắng, âm thanh.

Mô tả

“Xuyên suốt ba màn hình của sắp đặt video Dường như là, những thước phim dần hiện lên bên trong ba không gian hình tròn, ghi lại quá trình một chú kiến bị giam giữ và “tra tấn”. Ở kênh video đầu tiên, chú kiến bị ném vào tầm nhìn bởi một bàn tay vô danh nhanh chóng nắm lấy cây gậy để chế nhạo, trừng phạt nạn nhân của mình. Dù có cố gắng đến mấy để bò thoát, chú cũng không thể đối chọi với sức mạnh của cây gậy – một biểu hiện quyền lực vô lý, ép buộc kiến phải bò trong khuôn khổ, mặc dù đôi khi chiếc gậy “đùa giỡn” như thể chỉ để mua vui. Lo lắng và khốn cùng, ở kênh chiếu thứ hai chú kiến phải đối mặt với chiếc đèn pin chiếu sáng trên đầu, dò theo nó từng bước. Không nơi ẩn nấp, chẳng thể nghỉ ngơi, sự bất lực tột cùng này là một ác mộng kiểu Kafka: chú kiến không những không thể trốn thoát, mà còn chẳng hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Ở kênh video cuối cùng, không còn bàn tay hay đèn pin để đối chiếu kích thước, chú kiến giờ đây dường như mang kích cỡ khổng lồ, lần tìm lối đi lối về trên bề mặt của mặt trăng. Lạc lõng, nó tiếp tục bò vòng vòng mà không nhận ra rằng: ở đây không có lối thoát.” – Thái Hà

Đặt cùng Một trò chơi hay Chúng ta sinh ra để thất bại (2021–2022), video đơn kênh của Đào Tùng vừa được trưng bày tại triển lãm Chẳng còn, chưa tới, Nguyễn Art Foundation, đầu năm 2023, hai tác phẩm cùng chia sẻ những cử chỉ quen thuộc, phần nào tạo nên dấu ấn trong thực hành nghệ thuật thị giác của anh. Cả hai đều có phẩm chất của một trò chơi con trẻ tinh nghịch (trò “nhiều ra ít bị” và trò tiêu khiển với chú kiến nhỏ tội nghiệp), đều sử dụng giới hạn của khung hình làm một thành tố quy ước, chỉ cấu thành trên một cấu trúc đơn giản lặp đi lặp lại và gần như không xử lý hậu kỳ (một cú máy tĩnh one shot và ba cú handheld đặt cạnh nhau). Ngôn ngữ hình ảnh động của Đào Tùng giản kiệm, không cầu kỳ, nhưng lại giàu liên tưởng, với khả năng tế nhị bình luận về xung đột quyền lực tiềm tàng trong một tình huống giả định.

Trong đề xuất đầu tiên cho triển lãm Tạp âm trắng, chính từ cảm hứng với tác phẩm này của anh Tùng, tôi muốn thử viết truyện ngụ ngôn: Một thế giới loài người của 1000 năm nữa hiện ra trong mắt một chú kiến thì sẽ như thế nào? Chú sẽ nhìn thấy gì trong những cơ thể người khổng lồ kia? Liệu nghệ thuật với kiến có ý nghĩa gì không? Kiến có muốn hiểu cho một loài luôn ăn hiếp và đe dọa tới tính mạng mình? Thế giới trong mắt kiến có lẽ sẽ gần với thế giới của mấy đứa cháu tôi bây giờ. Tôi thường hay quan sát bọn trẻ con và bọn chó. Trong mắt bọn chúng, thế giới rộng lớn và mênh mông. Một lần, khi cầm máy quay thử theo chiều cao của cháu tôi khi ấy 4 tuổi; trong mắt nó, thế giới chỉ bắt đầu từ gầm bàn và mông người lớn đổ xuống. Chúng nó luôn luôn chỉ thấy được một nửa người cơ thể người lớn, hoặc một phần của mọi thứ. Để nhìn thấy được hết, lúc nào chúng nó cũng phải ngước lên. Trong cái sự ngước lên nhìn hay kể cả nhìn xung quanh, lúc nào cũng chứa đầy một sự không hiểu gì cả.

Mô tả trong tài liệu triển lãm Tạp âm Trắng, 2023, tr. 2-3.

Ý tưởng

Con kiến mà leo cành đa
Leo phải cành cụt leo ra, leo vào
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cành cụt leo vào leo ra.
– trích Ca dao Việt Nam

Ý tưởng tác phẩm gốc của nghệ sĩ trong tài liệu triển lãm Tạp âm Trắng, 2023, tr. 3-4.

Bộ sưu tập Nguyễn Art Foundation
2018
,