Mô tả
Vào năm 2021, một trận lụt tại New York đã phá hủy phần lớn các tác phẩm nghệ thuật và kho lưu trữ cá nhân của nghệ sĩ Trọng Gia Nguyễn. Sự kiện này làm đã gợi lại quá khứ di cư khi ba mẹ anh rời Việt Nam lúc chiến tranh kết thúc, số phận như đã luôn tự đưa ra quyết định. Họ mang theo một số giấy tờ, một vài tấm ảnh chụp, và để lại mọi thứ phía sau. Cứ như vậy, ghi chép ít ỏi về sự tồn tại của gia đình anh đã bị xóa sạch chỉ trong nháy mắt.
Sự kiện trên đã khiến anh phải suy nghĩ lại về giá trị vật chất của nghệ thuật, và rằng liệu còn cách nào tốt hơn để nghệ thuật có thể tiếp tục tồn tại. Chuỗi tranh trong căn phòng này, được biết đến với cái tên Perpetual Paintings, là kết quả của cuộc truy hồi ấy. Chúng là những bức tranh tĩnh vật được dẫn nguồn các đối tượng và vật thể từ kho đồ họa trực tuyến 3D Warehouse của Google, một thư viện mở nơi mọi người có thể tải về tệp tin kết xuất của đồ vật dưới dạng ba chiều. Ví dụ, nếu một kiến trúc sư muốn trang trí nhà với nội thất IKEA, họ có thể dễ dàng tải về bất kỳ thiết kế ghế tay vịn hay giá sách IKEA nào đã được tạo từ nhiều năm trước. Các ứng dụng ba chiều như Sketchup cho phép người dùng sắp xếp những món đồ trong một không gian kỹ thuật số ba chiều: Thay đổi vị trí, màu sắc, tỉ lệ, hình dạng — mọi thứ đều có thể thực hiện được. Hiện đã có hàng triệu vật thể có sẵn miễn phí ở trong thư viện này.
Tương tự như vậy, tất cả vật thể hiện hữu trong chuỗi tranh này đều được tải về từ thư viện trên, sử dụng những từ khóa cụ thể liên quan đến Việt Nam, chẳng hạn như “xe bánh mì”, “Vietnam Airlines”, “Tết”, v.v. Giống cách các họa sĩ như Cezanne hay O’Keefe áp dụng với hoa quả, rèm cửa hay sọ bò, Trọng cũng bố trí những đồ vật quen thuộc vào một sắp đặt tĩnh vật, cùng một số yếu tố kỳ lạ, có phần ngẫu nhiên. Người xem sẽ nhận ra Bưu Điện Sài Gòn, nơi nghệ sĩ đã chọn lựa một góc ánh sáng vào một khung thời gian nhất định trong ngày để làm rõ việc đổ bóng. Các nhạc cụ bị bỏ đi của một ban nhạc rock được tìm thấy trên mái hiên của tòa nhà. Một bàn ăn đầy ắp món Việt lại đính kèm với một quả bom hẹn giờ. Đồ vật thường thấy trong lớp học Việt Nam được thay thế bằng chân dung người bà của anh, cũng như quy luật trong bộ phim Fight Club. Tất cả sự thay đổi này có ý nghĩa gì?
Bằng ứng dụng Sketchup, Trọng chọn một góc nhìn hoặc tĩnh cảnh cụ thể và từ đó tạo nên bức tranh. Thay vì tự mình vẽ, nghệ sĩ đã thuê một vài xưởng vẽ ở Sài Gòn để làm điều đó, thậm chí yêu cầu người vẽ ký tên của chính anh vào mặt sau những bức tranh. Thực hành này cũng được áp dụng bởi những nghệ sĩ thành danh như Damien Hirst hay Jeff Koons, thuê một đội ngũ hoạ sĩ vẽ tranh cố định để làm hết những việc này, và chỉ mỗi chữ ký được thực hiện bởi chính nghệ sĩ đó. Ở đây, Trọng đặc biệt muốn nhấn mạnh vào khả năng tái tạo của tranh vẽ. Chúng luôn có thể được tái bản từ tệp tin kỹ thuật số mà Trọng đã đăng tải lên kho 3D Warehouse, ngay cả khi bản thân nghệ sĩ không có ở đây. Trọng khẳng định rằng bức tranh vật lý giờ đây không còn quan trọng hơn “bức tranh” kỹ thuật số nữa. Trong phiên bản kỹ thuật số, người xem có thể nhìn các bức tranh từ vô số góc nhìn và với những quan điểm khác nhau, điều không thể thực hiện được với tranh trên vải. Bằng cách này, bức tranh kỹ thuật số trở nên phong phú hơn, đủ đầy hơn, và thậm chí, quan trọng hơn.
Đồng thời Trọng cũng đặt câu hỏi về khái niệm khan hiếm và các phiên bản giới hạn. Ảnh nghệ thuật được phát hành thường xuyên thành 5, 20, 30, 50 bản. Đây là sản phẩm của tư bản phương Tây, tạo ra ít cung để chờ đợi sự kích cầu, từ đó đảm bảo giá trị sẽ tăng cao. Song, nhiếp ảnh lại hướng tới việc truy cập và tái tạo nhiều lần, chỉ với những màu mực và chất liệu giấy ảnh giống nhau, giống như phát minh công nghệ in ép của Gutenberg vậy. Ý tưởng về một phiên bản nhiếp ảnh giới hạn lại đi ngược với bản chất vốn có của chính nó. Tác phẩm của các nhiếp ảnh gia như Man Ray và Diane Arbus thường được phát hành nhiều năm sau khi họ qua đời với con dấu “xác thực tài sản” để xác nhận là “bản gốc”. Tuy nhiên, ý nghĩa của điều đó là gì vẫn đang là câu hỏi mở.
Vì vậy, ý tưởng về phương tiện, khả năng tiếp cận và quyền tác giả đều được đưa vào tranh luận trong những tác phẩm này. Tại sao một nghệ sĩ không thể sao chép lại các tác phẩm của họ nhiều lần nếu họ muốn? Ngay cả khi đó là một ấn bản mở rộng… hay với một bức tranh. Trọng, hay bất kỳ ai, đều có thể dễ dàng dẫn nguồn một bức tranh giống nhau vô số lần, như với một bức ảnh mà nếu muốn, có thể biến thể vô hạn. Kết quả, những bức tranh này được gọi là PERPETUAL PAINTING.
Tác phẩm như Vietnam Airlines & Tàu con thoi có tới hai phiên bản trong triển lãm lần này: một bức ở tầng hai và một bức ở sảnh chính. Chúng khác nhau về tỉ lệ, chênh lệch nhỏ về màu sắc tuỳ thuộc vào tay nghề của hoạ sĩ vẽ tranh, và lệch góc - tầm 1 độ - so với bức còn lại. Nhìn thì giống nhưng thật lại khác.
Mô tả trong vựng tập triển lãm Songs of Singularity, 2023, tr. 52-53.