Thổn thức mênh mang











Giới thiệu

Thổn thức mênh mang bao gồm hơn hai mươi tác phẩm đa chất liệu trên toan và giấy của Lê Quý Tông. Đây chỉ là một phần rất nhỏ trong khối lượng đồ sộ mà anh thực hiện trong suốt bốn năm qua. Tiếp tục phát triển dựa trên ‘một tổ hợp nguồn’ bao gồm: hội họa, họa tiết trang trí và ảnh chụp tìm thấy, mà Tông đã và đang liên tục thể nghiệm (điểm bắt đầu có thể đánh dấu từ triển lãm cá nhân Lam của anh tại Manzi cuối năm 2015); Thổn thức mênh mang có thêm sự tham gia của một kỹ thuật mới - in lưới (screen printing). Song hành với đó là sự chuyển đổi rõ rệt trong bảng màu được sử dụng: không còn giới hạn với phối màu đơn sắc hay tiết chế trong những tông trầm và lạnh như các series trước đây (LamVàng Ròng), loạt tranh trong trưng bày lần này chứng kiến sự đa dạng của các sắc độ. Vậy nhưng, xa hơn kỹ thuật mới & màu sắc mới, sâu hơn những biến hình ở dáng vẻ bên ngoài mang âm hưởng Pop Art ấy, Lê Quý Tông liệu có tạo ra những cú nhảy mới nào ở bên trong với Thổn thức mênh mang?

Biến chuyển đầu tiên có lẽ nằm ở tệp hình ảnh được nghệ sĩ phóng chiếu và sao lại lên toan / giấy. Lê Quý Tông dường như thoải mái hơn trong việc lựa chọn điểm bắt đầu. Thay vì chủ đích vay mượn một hình ảnh để neo đậu, dẫn dắt cho toàn bộ diễn biến sáng tác của chính mình và điều hướng tiếp nhận của khán giả, nghệ sĩ lựa chọn hết sức ngẫu nhiên từ công cụ tìm kiếm hình ảnh trên internet. Giờ đây, ngữ cảnh nguyên thủy không còn sức nặng chủ chốt nào, chúng có thể là ảnh tư liệu lịch sử, là bằng cứ cho một sự kiện đã diễn ra, là sự ghi chép xác thực / thao túng dư luận của truyền thông báo chí với một nhân vật hay một xung đột nào đó (của trước đây và hiện tại), đồng thời chúng cũng có thể là chỉ dấu thị giác đặc trưng của văn hóa đại chúng (truyện tranh Marvel, hoạt hình Disney), thậm chí cả minh họa trong truyện kể tôn giáo hay những thông điệp cổ động. Tất cả những dữ liệu đầu vào ấy tình cờ được nghệ sĩ nhìn thấy, bấm chọn, bị phân tách khỏi bối cảnh; không gian, thời gian bị xóa nhòa và theo đó, những ranh giới của tự sự gốc cũng biến mất: ta không còn thấy phe địch - phe mình; chính nghĩa hay phi nghĩa cũng đều vô nghĩa.

Nhưng bất kể nghệ sĩ có tiến hành giải cấu trúc, phá hình ảnh đến đâu và làm nhiễu đến mức nào, thì hiện diện của bạo lực vẫn không thể bị đè lấp hoàn toàn, dấu vết của nó vẫn hiển lộ dù ít dù nhiều.

Nguồn văn bản: Manzi